Theo quan niệm của người Việt hàng năm vào ngày thần tài sẽ mua vàng để đem lại may mắn tài lộc cho cả năm. Đây có thể xem là phong tục có từ rất lâu, vậy nguồn gốc của việc mua vàng ngày này là từ đâu? Vào ngày thần tài nên lễ cúng, khấn bái như thế nào cho chuẩn chỉnh? Hãy theo dõi bài viết sau đây của CAS Media để tìm hiểu rõ tất cả những nghi thức cho ngày vía thần tài nhé!
Ngày vía thần tài là ngày mấy trong năm?
Với người Việt Nam, đặc biệt là người kinh doanh thì ngày vía thần tài là ngày vô cùng quan trọng trong năm. Theo người Việt Nam, cứ ngày mồng 10 tháng Giêng hằng năm chính là ngày vía Thần tài. Theo quan niệm dân gian Việt Nam, mua vàng ngày vía thần tài có thể đem lại may mắn, tài lộc, làm ăn thuận lợi cho cả năm.
Ngày vía thần tài 2022 rơi vào thứ 2 ngày 21 tháng 2 dương lịch tức ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch.
Nguồn gốc của ngày vía thần tài
Quan niệm của người Việt về thần tài rất phong phú, do đó có rất nhiều câu chuyện về nguồn gốc của vị thần này. Tuy nhiên, câu chuyện phổ biến nhất về nguồn gốc của ngày vía thần tài được lưu truyền nhiều nhất như sau:
Thần Tài là vị thần sống ở trên trời, vào một dịp xuống hạ giới chơi cho uống quá nhiều rượu, say và đập đầu vào đá nên quên mất mình là ai. Trong thời gian bị lưu lạc ở nhân gian, Thần tài bị người dân đem quần áo đi bán. Sau đó, ông đi lang thang xin ăn khắp mọi nơi, vào một lần được cửa hàng bán gà, vịt mời ăn, từ đó cửa hàng này làm ăn rất phát đạt.
Tuy nhiên, chủ nhà hàng thấy Thần Tài không chịu làm việc, ăn bốc nên không cho tiếp tục ở, từ đó cửa hàng làm ăn kém đi rất nhiều. Sau đó, có rất nhiều nhà kinh doanh khác mời Thần tài về ở, mua quần áo mới cho mặc. May mắn thay, Thần Tài tìm được đúng cửa hàng để mua lại quần áo bị đem bán trước kia rồi mặc lại đồ và bay về trời ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Từ đó, người dân để tưởng nhớ Thần Tài đã chọn ngày này làm ngày vía Thần Tài.
Cách lễ cúng ngày vía thần tài
Phần lớn, trong các gia đình làm kinh doanh đều có một bàn thờ Thần Tài được đặt ở sát mép tường hoặc ngay cửa ra vào. Bởi theo quan niệm từ xưa, đây là những vị trí đặt bàn thờ Thần Tài để tiếp tài lộc và giúp gia chủ làm ăn phát đạt.
Ngoài vị trí đặt, người ta còn quan tâm đến cách lễ cúng ngày này sao cho hợp lý nhất. Thông thường, theo phong tục của người Việt, lễ cúng ngày vía Thần Tài cần chuẩn bị những lễ vật sau: Nến, hương, gạo (phải là gạo tẻ), muối, 3 chén nước, 3 chén rượu, tiền vàng, hoa tươi (thông thường là hoa cúc,...), mâm ngũ quả, trầu cau, xôi đỗ xanh, thuốc lá, Ông Cóc, bộ tam sên (thịt lợn luộc, 3 quả trứng, 3 con tôm).
Ngoài ra, lễ vật cúng ngày vía Thần Tài có thể phụ thuộc vào địa phương, ví dụ ở khu vực phía Nam thường mua cá lóc nướng vào ngày vía Thần Tài.
Sau khi chuẩn bị và bày trí lễ vật, tiếp theo tiến hành cúng, dưới đây là bài văn khấn ngày vía thần Tài ngày 10 tháng Giêng mà bạn có thể tham khảo:
“Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần
Con kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh, Táo phủ, Thần quân
Con kính lạy Thần Tài vị tiền
Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản xứ này
Tên con là:
Tuổi:
Nơi ở:
Địa chỉ kinh doanh:
Hôm nay ngày 10 tháng Giêng âm lịch năm….
Tín chủ con thành tâm chuẩn bị nén tâm hương, lễ vật kính dâng lên trước án. Trước bàn thờ chư vị Tôn Thần,, con xin chắp tay kính cẩn.
Cúi xin Thành Hoàng bản địa, Thần Tài chứng minh cho tâm lành khấn vái, xin chân thành cảm tạ chư vị thần linh đã phù hộ cho con trong thời gian qua, giúp chúng con kinh doanh buôn bán, lo toan các công việc tại chốn này.
Hôm nay đầu xuân năm mới, trước bàn thờ chư vị tôn thần, con xin kính cẩn tấu trình. Xin chư vị phù hộ cho chúng con khai phúc khai lộc, khai vận cho cả năm mưa thuận gió hòa, buôn bán thuận lợi, lòng người yên ả. Cầu cho con buôn may bán đắt, không dám mơ cao xa vọng tưởng, chỉ mong công sức được nhận lại thành quả, chăm chỉ tới hồi thành công.
Chúng con người trần mắt thịt, việc dương chưa tỏ việc âm chưa thấu, nếu có điều gì mạn phép mong các Ngài đại xá cho chúng con. Con xin các Ngài chứng giám cho lòng thành của chúng con, kính bái.
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)”
Sau khi khấn xong, gia chủ vái hoặc lạy ba cái.
Vì sao người dân thường mua vàng ngày vía thần tài?
Ngày vía Thần Tài không chỉ để tưởng nhớ, tạ ơn đến một vị thần mà còn là ngày gia chủ mong muốn được “đổi vía” - có vía thì gia chủ có một năm sung túc và bình an. Trong ngày này, không chỉ chuẩn bị lễ cúng mà người dân còn có phong tục đi mua vàng đã xuất hiện từ rất lâu đời.
Người dân đi mua vàng vào ngày này bởi họ quan niệm rằng vàng chính là biểu tượng cho tài lộc, phú quý, mang đến nhiều may mắn cho người sở hữu. Chính vì thế cứ ngày 10 tháng Giêng hàng năm, sau khi đã cúng kiếng xong người dân đều đổ xô đi mua vàng với mong muốn cho một năm phát lộc, buôn may bán đắt.
Ngoài việc cầu may mắn, người ta còn có quan niệm rằng mua vàng để tiết kiệm. Thực tế, trong tiềm thức của người Việt mua vàng rất an toàn, đó là một cách tiết kiệm, có của ăn của để trong nhà. Đây cũng có thể xem là một khoản dự phòng an toàn, có thể bán đi khi cần sử dụng cho việc quan trọng.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu hay nhiều cơ sở để khẳng định việc mua vàng ngày vía Thần Tài sẽ đem lại nhiều may mắn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.
Bài viết trên là những chia sẻ của CAS Media về ngày vía thần tài cũng như những tập tục trong ngày này của người Việt. Hy vọng qua bài viết bạn đã có thêm được những thông tin bổ ích và nhiều may mắn trong công việc và tiền bạc.